Giới thiệu đôi nét về một số di tích lịch sử trên địa bàn xã Cấp Tiến






ĐÔI NÉT VỀ MIẾU PHƯƠNG - DI TÍCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CẤP THÀNH PHỐ
Theo thần phả của làng Phương Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, khoảng năm 940, có một người phụ nữ tên là Đô Nương, họ Chu, người quê làng Chi Ngái, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương đi bán tơ tằm. Khi đến nơi Miếu thờ thổ thần của trang Đăng Lai, (tức làng Phương Lai ngày nay) thì trời nổi mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm, trời đất tối mù, bà vào trong Miếu trú tạm. Bỗng có một đạo hào quang chiếu sáng, phủ lên bà, khiến bà mê mẩn, không biết gì, khi tỉnh lại thì trời quang, mây tạnh. Từ đó bà mang thai, về quê Chi Ngái, mãn nguyệt, sinh ra một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú. Bà đặt tên cho con là Đô Công, lấy họ mẹ là Chu - Chu Đô Công.
Chàng trai Đô Công càng lớn lên, càng khỏe mạnh, giầu khí chất, học hỏi tinh thông, văn chương, võ nghệ song toàn. Năm 20 tuổi, chàng Đô Công tình nguyện ra ứng thí, phò vua, cứu nước, được nhà Vua ban chức Đô Chỉ huy xứ Tướng Quân và cấp cho 3000 quân, cùng lương thảo đi trấn giữ vùng Hải Dương. Tới trang Đăng Lai, huyện Bình Hà, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, thấy nơi đây có vị trí xung yếu, ông cho quân lính hạ trại, xây dựng đồn lũy, tuyển thêm quân, tuần tra canh phòng và tổ chức nhân dân xây dựng trang ấp, khai hoang, vỡ hóa, làm ruộng công điền, mở mang ngành nghề, xây cầu, dựng chùa…Từ đó mở ra một thời kỳ phát triển phồn thịnh của trang Đăng Lai.
Những năm, từ 980 - 981, giặc Tống ở phương Bắc, đem quân xâm chiếm nước Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành cho tuyển quân lính đánh giặc, bảo vệ bờ cõi. Nhận được Chiếu chỉ của Nhà Vua, Đô Công gấp gáp đem quân cùng các tướng sỹ đi đánh giặc. Dẹp yên giặc, do lập nhiều công lớn, Chu Đô Công được Vua Lê Đại Hành phong chức Chu Đô Quan Đại vương, lại được ban chiếu vinh quy nhiệm sở thực ấp. Ông qua đời, vào ngày rằm, 15 tháng 11. Dân trang Đăng Lai xin được rước chiếu lệnh của Vua về xây Miếu thờ. Vua cho thảo sắc phong thần hiệu: Bản cảnh Thành Hoàng trang Đăng Lai Chu Đô Quan Đại Vương và sắc cho dân trang Đăng Lai xây dựng Miếu Đường quanh năm thờ phụng ông. Năm 1901, trang Đăng Lai được đổi tên là làng Phương Lai cho đến ngày nay.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Miếu Phương Lai là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Huyện ủy huyện Tiên Lãng, của Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến xã Cấp Tiến. Trong gian vọng cung có hầm bí mật dưới lòng đất để cất dấu vũ khí, tài liệu, nơi ẩn nấp của cán bộ, bộ đội, Tháng 8/ 1953, Miếu Phương Lai là nơi diễn ra nhiều hoạt động của BCH Xã Đội và du kích xã Cấp Tiến đánh thắng cuộc càn Cơ Lôts của quân đội Pháp vào địa phương.
Miếu thờ Thành Hoàng Chu Đô Quan, hiện vẫn còn thần phả và 10 đạo sắc phong của các triều vua, sớm nhất là sắc phong của Vua Lê Đại Hành, sau cùng là sắc phong của Vua Khải Định. Năm 2007 – 2008, nhân dân Phương Lai đã trùng tu, nâng cấp ngôi Miếu làng. Miếu xây dựng theo kiểu chữ Đinh, 2 gian vọng cung và 3 gian, 2 dĩ tòa bái đường, 4 mái cong lợp ngói mũi hài; có Cửa võng, Đại tự, Câu đối và đồ thờ được trang trí theo kiểu Tứ Ly (Long, Ly, Quy, Phượng) và hoa lá cách điệu trông rất sống động.
Ngày 27 tháng 1 năm 2011, Miếu Phương Lai được UBND thành phố cấp Bằng xếp hạng “Di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố”
Ngày nay, trong thời kỳ đất nước đổi mới, đi lên Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, cùng với quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương giầu đẹp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân làng Phương Lại vẫn luôn hướng về cội nguồn, góp công, góp của tu sửa, tôn tạo, nâng cấp Miếu thờ Thành Hoàng làng ngày một khang trang hơn để bà con dân làng và khách thập phương đến chiêm bái, thăm quan, tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của quê hương.
*Ảnh: Miếu Phương Lai, Di tích lịch sử kháng chiến cấp Thành phố.
* Bài kèm theo một số hình ảnh trong ngày Giỗ Thành Hoàng làng Phương Lại 15/11 âm lịch, năm 2017